THĂM NHÀ “NGƯỜI TÌNH”

5c31c7f8b0.jpeg
23 Tháng Năm, 2019
Ở miền Tây không hiếm nhà cổ nhưng một ngôi nhà ở Đồng Tháp lại thu hút khá nhiều khách nước ngoài đến tham quan, trung bình mỗi tháng đến 3.000 lượt.

Điều khiến ngôi nhà trở nên đặc biệt là vì chủ sở hữu của nó – ông Huỳnh Thủy Lê – người vừa là mối tình đầu vừa là nhân vật được nói đến trong tiểu thuyếtL’Amant (Người tình) nổi tiếng của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras.

Kết quả hình ảnh cho THĂM NHÀ “NGƯỜI TÌNH”

Câu chuyện kể về mối tình giữa một cô gái Pháp da trắng nhưng nghèo với một “công tử” người Việt gốc Hoa là dân thuộc địa. Như bao mối tình kinh điển khác, cuộc tình của họ đã kết thúc đẫm nước mắt bởi hố sâu giai cấp của gia đình và xã hội…Năm 1991, tiểu thuyết này được đạo diễn Jean-Jacques Annaud dựng lại thành phim với sự tham gia cố vấn của “Ông già Nam Bộ” Sơn Nam.

Xin trở lại với ngôi nhà Người tình, hiện tọa lạc ở số 225A đường Nguyễn Huệ, P.2, thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp). Nó không phải là nơi ông Huỳnh Thủy Lê và nữ văn sĩ Duras từng hẹn hò như nhiều người khẳng định mà chỉ là căn nhà của gia đình Huỳnh “công tử”; còn bà Duras thời đó chưa từng đặt chân vào.

Năm 1895, cha của Huỳnh Thủy Lê là ông Huỳnh Thuận đã xây dựng ngôi nhà ba gian theo kiểu Nam Bộ này bằng vật liệu chính là gỗ. Đến năm 1917, ông Thuận cho xây dựng lại mang dáng dấp của biệt thự Pháp với sự kết hợp hài hòa kiến trúc Đông – Tây.

Nền nhà cao ráo, được lát gạch bông nhập từ vùng Ardèche của Pháp. Tường được xây bằng gạch đặc rất dày 30-40 cm bao lấy kết cấu khung gỗ làm tăng khả năng chịu lực. Mái nhà lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình chiếc thuyền tượng trưng cho miền sông nước Tây Nam Bộ.

Kiến trúc phương Tây thể hiện rõ ở phần mặt tiền nhà, trần nhà, khung cửa sổ, hai ban công trước và sau nhà. Tất cả được trang trí bằng các phù điêu thời Phục hưng. Vòm cửa cong theo kiến trúc La Mã. Phần kiến trúc phương Đông là  những đường nét chạm khắc rất sắc sảo và được sơn son thếp vàng như hình chim muông, cây trái và các loại hoa như: trúc, mai, cúc, đào…, thể hiện sự sung túc và giàu có của một đại gia thời bấy giờ.

Có nhiều du khách gọi ngôi nhà là “ngôi nhà màu xanh” vì trước đây nhà được sơn màu xanh. Bên cạnh đó, các căn phòng trong nhà được trang trí xen kẽ giữa gỗ và kiếng màu xanh. Khi có ánh sáng chiếu vào, căn phòng có màu xanh thật huyền ảo.

Còn điều “bí ẩn” mà người ta nhắc đến nữa là: Gian nhà phía bên phải, theo hướng từ ngoài nhìn vào luôn luôn có gió nên quanh năm mát mẻ. Trong khi đó, hai gian còn lại mà nhất là gian bên trái thì hầu như không có ngọn gió nào trong suốt cả năm.

Căn nhà đặc biệt này được đưa vào khai thác du lịch từ năm 2007. Mỗi tháng, có hàng ngàn du khách đến thăm ngôi nhà với một số lượng khách khá lớn là người Pháp. Du khách cũng có thể nghỉ đêm, dùng bữa ở trong chính ngôi nhà này nếu có nhu cầu.

L’Amant xuất bản năm 1984 và nhanh chóng được xem là hiện tượng của văn học Pháp thời bấy giờ với khoảng 2,4 triệu bản, được dịch ra 43 thứ tiếng. Ngay trong năm đầu tiên xuất bản, L’Amant đã đoạt giải Goncourt – một giải thưởng danh giá của văn học Pháp.Nhà Người tình còn trở nên đẹp, lãng mạn hơn vì nó nằm một trong những nơi có nghề trồng hoa kiểng nổi tiếng vào bật nhất miền Tây – làng hoa Sa Đéc. Cả hai bổ sung cho nhau để quyến rũ du khách đến thăm xứ miệt vườn.

Bộ phim Người tình cũng trở nên nổi tiếng khắp thế giới hồi những năm 90 của thế kỷ trước. Phim có sự tham gia của ngôi sao Jane March, Lương Gia Huy và Lisa Faulkner.

Nhà văn Sơn Nam từng nhận xét: “Phim đó hay nhất ở chỗ người ta phục hồi lại được những chiếc xe cổ, không gian cổ Nam Bộ và bến phà Bắc Hậu Giang rất đúng tinh thần Nam Bộ”.